Phong thủy giếng nước

Trong các công trình phục vụ đời sống trong gia đình, đặc biệt là các gia đình nông thôn, hầu như nhà nào cũng đào giếng để chủ động lấy nước sinh hoạt.

Trong cái nhìn của phong thủy học, vị trí đào giếng cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như gia đạo của gia đình đó, cho nên việc đặt giếng cũng có một số kiêng kị nhất định.

Trước tiên, giếng không được đặt tại phương tọa của căn nhà. Phong thủy học có câu “Sơn quản nhân đinh, thủy quản tài lộc”. Một ngôi nhà hợp cách phải có vượng khí chiếu tới phương tọa của căn nhà và căn nhà đó được dựa và núi, đồi hoặc phía sau có nhà hàng xóm cao tầng, như vậy người nhà mới khỏe mạnh, ít bệnh tật, thêm nhân khẩu.

Nếu ta đặt giếng tại phương tọa của căn nhà, đương nhiên là phá cục, thành ra vượng sơn hạ thủy, dân gian thường nói là vượng khí rơi xuống giếng, sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe người nhà đó kém, bệnh tật khởi phát.

Lấy ví dụ nhà tọa càn hướng tốn, lập vào vận 8.
giengnuoc

Phương càn có vượng khí chiếu tới nên nhân đinh vượng, sức khỏe tốt. Nếu đào giếng tại phương càn thì sẽ phá cục, vượng tinh lạc thủy, gây tổn hại nhân đinh, tốt mà hóa xấu.

Ngoài ra theo phép xưa, đào giếng không nên đào trên 12 chữ địa chi (tý, sửu, dần…) vì thủy động thuộc dương cho nên nên đào trên các thiên can. (Giáp, ất, bính, đinh, canh, tân, nhâm quý.) Vì có câu: ” Vạn thủy vô tòng thiên thượng khứ. ” (Vạn dòng nước đều theo thiên can mà đi). Bốn chữ dương thiên can là giáp, bính, canh, nhâm tốt hơn âm thiên can là ất, đinh, tân, quý.

Điều quan trọng nữa là tuyệt đối không được đào giếng tại phương vị hoàng tuyền của căn nhà.
Hoàng tuyền có bát sát hoàng tuyền, tứ lộ hoàng tuyền.

Bát sát hoàng tuyền được tính toán dựa trên phương tọa của căn nhà.

Nhà tọa cung khảm ( bắc ) hoàng tuyền tại thìn
Nhà tọa cung cấn ( đông bắc ) hoàng tuyền tại dần
Nhà tọa cung chấn ( đông ) hoàng tuyền tại thân
Nhà tọa cung tốn ( đông nam ) hoàng tuyền tại dậu
Nhà tọa cung ly ( nam ) hoàng tuyền tại hợi
Nhà tọa cung khôn ( tây nam ) hoàng tuyền tại mão
Nhà tọa cung đoài ( tây ) hoàng tuyền tại tị
Nhà tọa cung càn ( tây bắc ) hoàng tuyền tại ngọ.

Tứ lộ hoàng tuyền được tính toán dựa trên hướng của căn nhà.

Nhà hướng canh, đinh hoàng tuyền tại khôn
Nhà hướng khôn hoàng tuyền tại canh, đinh

Nhà hướng ất, bính hoàng tuyền tại tốn
Nhà hướng tốn hoàng tuyền tại ất, bính

Nhà hướng giáp, quý hoàng tuyền tại cấn
Nhà hướng cấn hoàng tuyền tại giáp, quý

Nhà hướng tân, nhâm hoàng tuyền tại càn
Nhà hướng càn hoàng tuyền tại tân, nhâm

Như vậy ta thấy rằng trong 24 sơn hướng, chỉ có 8 thiên can và tứ duy khôn, tốn, cấn, càn là gặp tứ lộ hoàng tuyền.

Hoàng tuyền là hung sát dữ theo thuyết phong thủy, âm trạch hay dương trạch đều phải kiêng kị cả. Phương của hoàng tuyền không được mở cổng, cửa, đào ao, đào giếng. Phạm phải thì gia đạo gặp hung tai.

Đào giếng không được đối diện với bếp. Tỉnh táo đối diện nam nữ dâm loàn, mắc bệnh về mắt và hệ tim mạch.

Giếng cũng không nên đào tại cung đoài ( hướng tây ), vì kim thủy đa tình, tham hoa luyến tửu, là phương vị đào hoa sát. Cũng không nên đào tại cung càn ( hướng tây bắc ), sẽ phát bệnh về chân.

Người xưa có đề thơ nói về việc đào giếng như sau:

Đào giếng phương tý sinh điên loạn
Phương sửu anh em khó thuận hòa
Dần mão tỵ thìn đều bất lợi
Tuất ngọ tìm nước họa không xa
Giếng tại hợi mùi là cực xấu
Thân dậu hung rồi lại hóa may
Duy ở cung càn chân phát bệnh
Tại giáp canh nhâm mặc sức đào
Giếng bếp nhìn nhau nữ dâm loạn
Phương đoài khơi giếng quả không hay.

Trên đây là một số kiêng kị khi đào giếng, không những đào giếng kị mà suy rộng ra, đặt bể nước cũng phải tuân theo nguyên tắc này để tránh hung tìm cát.

Nguồn: Phong thủy giếng nước